Bí quyết vượt qua các kỳ thi ACCA như thế nào?
Hạnh đã vượt qua TẤT CẢ các môn thi ACCA như thế nào? (Phần 1)
Xuất thân từ ngành Kinh tế đối ngoại của trường Ngoại Thương, đến với ACCA tình cờ theo con đường học bổng, sau 3.5 năm “lầy” – Hồng Hạnh, chuyên viên kế toán quản trị của một công ty FMCG đã “về đích trong một cuộc thi đi bộ đường dài” – hoàn thành tất cả các môn ACCA và nằm trong nhóm Top Affiliates. Mời các bạn đón xem bài phỏng vấn Hạnh chia sẻ về hành trình này nhé.
Tại sao bạn lại chọn ACCA?
Mình đến với ACCA là 1 sự tình cờ, nhưng minh quyết định chấp nhận trầy trật để theo đuổi ACCA không chỉ vì uy tín của tấm bằng mà còn vì những kiến thức từ ACCA đã đánh trúng tim đen của mình 😀 Tính mình thích làm việc với số, và từ ngày đầu chập chững học ACCA đã khai sáng cho mình rằng đằng sau những con số về 1 doanh nghiệp hay tổ chức có rất nhiều thứ hay ho để tìm hiểu hay khai thác. Những kiến thức cơ bản về Kế toán ACCA mang lại cũng giúp mình rất nhiều trong việc xây 1 cái nền thật vững để đỡ phần hoang mang khi đi làm mặc dù mình không phải dân Kế toán chính gốc.
Hành trình 3.5 chạy cùng ACCA của bạn diễn ra thế nào?
Mình bắt đầu tìm hiểu về ACCA vào cuối năm 2 khi may mắn nhận được học bổng khoá học 3 môn đầu của ACCA trong 1 chương trình về hướng nghiệp ở đại học. Sau đấy mình có học thử 2 môn và cảm thấy rất hứng thú với những kiến thức môn học mang lại, từ đấy bắt đầu nhen nhóm ý định theo đuổi hướng Tài chính – Kế toán lâu dài.
Sau đấy thì mình tập trung cho việc học và tham gia hoạt động ngoại khoá ở trường nên cũng “bỏ bê” ACCA. Đến khi tốt nghiệp mới bắt đầu dành nhiều thời gian hơn để học. Nói là tập trung chứ tự thấy mình “lầy”, mỗi kỳ chỉ thi 1 môn và những môn P thì dành hẳn 6 tháng thi 1 môn, nên cũng hẳn 3.5 năm mới xong :))) Nên là khi thi xong môn cuối cảm thấy như vừa về đích một cuộc thi đi bộ đường dài :))
Chắc lúc học cũng có những thử thách Hạnh nhỉ?
Mình phải cố gắng “kiềm chế”, tạm gác lại nhiều thú vui tao nhã thông thường hay vài dự định cá nhân để tập trung cho học và thi, gần như tạm ngưng các kết nối với bạn bè hay với đồng nghiệp sau giờ làm. Tập trung cao độ vậy mà nhiều lúc học thấy tuyệt vọng kinh khủng, kiểu học trước quên sau hoặc thậm chí là mix kiến thức từ phần này qua phần kia 🙁
Thường các bạn khác sẽ thi một kỳ hai hoặc ba môn để rút ngắn thời gian học, thì vì quỹ thời gian không được linh hoạt và dựa vào “style” học hành của mình, mình chọn kiểu học chậm mà chắc chứ không tự tạo thêm áp lực bằng cách so sánh với người khác.
Để đối phó với sự học trước quên sau kể trên do lượng kiến thức của mỗi môn ACCA là tương đối nhiều, ngoài tận dụng ACCA Passcard mình còn có 1 cuốn sổ nhỏ. Nó sẽ khác với Passcard ở chỗ thay vì mình sẽ tự hệ thống lại kiến thức mỗi chương theo cách riêng mà mình nghĩ là bản thân sẽ dễ nắm bắt và ghi nhớ nhất. Và mình sẽ chỉ note vào đấy những ý thật sự chủ chốt, hay những ý mà sau khi xem qua bài tập từng chương xong mình tự nhận định kiểu gì đề thi cũng hỏi. Mỗi khi học thêm các điểm chính trong 1 chương mới mình sẽ rà lại từ đầu những ý chính từ chương đầu tiên đến giờ, đến chỗ nào cảm thấy sẽ dễ bị nhầm lẫn với phần khác thì chủ động note vào sổ 2 phần khác nhau như nào, hạn chế cả sự quên lẫn sự mix :))
Một cách nữa là mình cố gắng lấy động lực từ nội tại bản thân. Không tụ tập chém gió xả stress được thường xuyên thì mình tự thưởng những phần thưởng nho nhỏ mỗi khi hoàn thành kế hoạch học tập tuần/tháng đặt ra, sau khi thi đậu một môn thì thưởng to hơn tẹo, môn nào may mắn Prizewinner thì thưởng to hơn chút nữa, kiểu vậy :)))
Một điều nữa mà mình nghĩ đã giúp mình vượt qua khoảng thời gian đấy là nhờ động lực tài chính :)) Lúc xác định kỳ nào thi môn nào mình sẽ thanh toán phí thi theo diện early-bird, vừa tiết kiệm kha khá phí vừa xem đó như một ràng buộc để học thật tốt, thi đậu cho đáng số tiền bỏ ra. Về sau khi may mắn được nhận ACCA Simpson Scholarship năm 2017 (ACCA Global sẽ hỗ trợ phí thường niên, sách học và lệ phí thi) thì điều mình hay tự nhủ làm động lực là như này: mình là một trong số ít học viên VN cũng như số ít học viên ACCA toàn cầu có được cơ hội này, nếu ACCA tài trợ cho mình học và thi mà không đậu thì ôi thôi xấu hổ với ACCA lắm, xấu hổ với cả các anh chị/các bạn học viên VN nữa. Thế là cố gắng thôi 😀
Vậy khi học mệt thì Hạnh thường làm gì?
Kể ra hơi buồn cười nhưng điều đầu tiên mình muốn làm sau khi học bài là ngủ một giấc =)) Thật ra do phần lớn thời gian mình học thi là sau khi giải quyết hết công việc trong ngày, nên ngủ là cách nhanh nhất mình lấy lại sức và cũng để giải phóng đầu óc khỏi lo lắng hay suy nghĩ linh tinh hoang mang hậu học ôn.
Còn những buổi mình ôn vào chiều cuối tuần thì mình xả stress bằng việc nhà, kiểu dọn dẹp nhà cửa hay phụ giúp chuẩn bị bữa ăn cho gia đình 😀
HẾT PHẦN 1.
*******************
Phần 2
Hạnh có nhắn nhủ điều gì đến các bạn đang thi không?
Một lời nhắn có vẻ khá quen thuộc với các bạn nhưng với mình điều đó vẫn giúp ích rất nhiều, là “tin vào bản thân”. Một thói quen của mình là buổi sáng trước khi thi sẽ chỉ dành cho nghỉ ngơi thư giãn, không đụng vào tài liệu nào nữa, mình tin là những gì lượm lặt được trong thời gian ôn tập là đủ để hoàn thành bài thi, cố gắng vớt vát thêm một buổi nữa có khi lại dễ bị ‘’khớp’’ hơn (dĩ nhiên, để cảm thấy tự tin như vậy thì đòi hỏi quá trình ôn tập trước đó phải được lên kế hoạch hiệu quả). Và sau khi thi xong mình cũng sẽ không thảo luận hay nghĩ gì thêm về bài làm vừa qua. Mình hay tự đùa rằng việc dằn vặt hay lo lắng về bài thi vừa qua cũng như việc tính past costs vào việc đánh giá hiệu quả 1 project, bởi người ta chỉ xem xét incremental costs (chi phí tăng thêm do thực hiện dự án, vốn là future costs) chứ không quan tâm past costs (chi phí đã phát sinh trước đó, dù có dự án hay chưa).
Có một thói quen nào mà Hạnh thường làm mỗi ngày để chuẩn bị cho kỳ thi không?
Tập thể dục
😀 Mình nhận thấy không nhất thiết phải chơi một môn thể thao nào cả mà chỉ cần dành một khoảng thời gian cố định trong ngày/trong tuần, trước khi bắt đầu giờ học ôn thì càng tốt, để chạy bộ hoặc tập vài động tác, tùy vào sức khỏe và khả năng của mình. Khoa học cũng đã chứng minh thể dục thể thao có tác dụng tích cực đến năng suất và hoạt động của trí nào mà.
Như phần 1 đã chia sẻ, Hạnh gặp rất nhiều thử thách trong việc phân chia thời gian, sắp xếp cuộc sống cho việc học ACCA, điều gì đã là động lực để Hạnh vượt ải thành công tất cả các môn ACCA vậy?
Nói ‘’để được như hôm nay’’ nghe hơi to tát tẹo, nhưng mình nghĩ một trong những điều giúp mình vượt qua thử thách ngoài niềm tin vào bản thân còn là sự sẵn sàng mở lòng với những người mình tin tưởng.
Nên một điều nữa mình muốn nhắn nhủ là các bạn đừng ngại chia sẻ khó khăn của mình trong quá trình học thi với các bạn học cùng, hoặc với sếp ở công ty của bạn, họ có thể cùng bạn giải quyết những vấn đề ấy. Đơn cử lúc còn vài ngày nữa mình thi môn P2 (hiện giờ là Strategic Business Reporting) đúng vào lúc mình khóa sổ cuối tháng, mình lại không có thế mạnh ở các môn liên quan đến Financial Accounting và lúc ấy tự nhận thấy có rất nhiều mảng kiến thức mình chưa hiểu hết kịp chứ nói gì đến đủ tự tin giải đề thi thử. Tâm trạng hoang mang cực độ vì sợ có khi cả công việc cả bài thi đều hỏng bét hết. Trong một ngày cảm thấy không thể bế tắc hơn nữa, mình quyết định gặp riêng với sếp chia sẻ thành thật tình hình của mình, rất may là sếp đã cho phép mình thêm thời gian để kịp ôn thi mà vẫn tìm cách để đảm bảo tiến độ công việc. Sau lần ấy, mình nghĩ là giả sử hôm đấy mình vẫn giữ kín những khúc mắc của mình thì có khi điều mình lo sợ sẽ thành hiện thực chứ chẳng chơi.
Một ngày học cơ bản của Hạnh thường diễn ra như thế nào?
Sẽ tùy vào thời điểm nữa. Nếu ôn trong tuần thì mình sẽ dành thời gian 1-2 tiếng sau khi đi làm về. Nếu rơi vào cuối tuần hoặc lễ tết (yup, mình đã hy sinh kha khá thời gian lễ tết không la cà đi chơi bung lụa mà dành mấy ngày liền để ôn – vì thường mấy kỳ mình thi lại rất sát ngày sau lễ tết
T_T), thì mình sẽ bắt đầu ngày bằng 1 chút vận động rồi mới bắt đầu học. Và cứ tầm 1-2 tiếng là lại tạm nghỉ để thư giãn đầu óc và cũng để giải quyết những việc mang tính thường nhật khác trong ngày.
Cảm ơn Hạnh rất nhiều. Chúc Hạnh thật nhiều thành công.
Nguồn ACCA
Audit Care Việt Nam Newsletter
Join the newsletter to receive the latest updates in your inbox.