IFRS là gì? Tầm quan trọng của IFRS hiện nay
IFRS là gì? IFRS nghĩa là gì? Tại sao dân trong ngành Kế toán - Kiểm toán - Tài chính - Thuế ai cũng nên thuộc lòng về các chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) này. Và các chuẩn mực này có tầm quan trọng như thế nào? Cùng ACV tìm hiểu ngay trong bài viết này nhé!
Mục lục
1. IFRS là gì?
2. Tầm quan trọng của IFRS hiện nay.
3. Vì sao có sự chuyển đổi từ IAS sang IFRS
- 3.1. Nguyên tắc giá gốc đã không còn phù hợp trong bối cảnh hiện tại 2
- 3.2. Sự bất cập trong việc chuyển đổi giữa chuẩn mực kế toán của từng quốc gia và IAS 3
- 3.3. IFRS là nỗ lực thay đổi từ hòa hợp sang hướng hội tụ.
1. IFRS là gì?
IFRS (International Financial Reporting Standards) được gọi là các chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế gồm các chuẩn mực kế toán được ban hành bởi Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (International Accounting Standards Board - IASB) với mục tiêu đặt ra các quy tắc chung để báo cáo tài chính có thể thống nhất, minh bạch và có thể so sánh trên toàn thế giới. IFRS xác định cách các công ty duy trì và báo cáo tài khoản của họ, xác định các loại giao dịch và sự kiện khác có tác động tài chính. Các chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) được thành lập để tạo ra ngôn ngữ kế toán chung, để các doanh nghiệp và báo cáo tài chính của họ có thể thống nhất và đáng tin cậy từ công ty này sang công ty khác, quốc gia này sang quốc gia khác.
2. Tầm quan trọng của IFRS hiện nay
Xét trên phương diện Quốc tế: Kết quả thống kê của IFRS.org chỉ ra rằng đến tháng 4/2018 có 144 quốc gia và vùng lãnh thổ (87%) trong 166 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát đã bắt buộc sử dụng chuẩn mực IFRS. Phần lớn trong nhóm 22 quốc gia và vùng lãnh thổ còn lại đã cho phép hoặc đang trong lộ trình triển khai áp dụng IFRS. Chỉ còn 7 quốc gia trong đó có Việt Nam (26 chuẩn mực VAS) vẫn chỉ sử dụng chuẩn mực kế toán riêng.
Tại Việt Nam: Lộ trình áp dụng IFRS tại Việt Nam nằm trong “Đề án áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) tại Việt Nam” do Bộ Tài chính soạn thảo và công bố tại Quyết định số 345/QĐ-BTC ngày 16/03/2020.
Lộ trình áp dụng này gồm 3 giai đoạn:
+ Giai đoạn chuẩn bị: từ năm 2020 đến hết năm 2021
+ Giai đoạn áp dụng tự nguyện: từ năm 2022 đến hết năm 2025
+ Giai đoạn bắt buộc áp dụng: từ sau năm 2025 Trước tầm quan trọng này, không chỉ kế toán viên và kiểm toán viên mong muốn làm việc tại các công ty đa quốc gia cần phải hiểu IFRS là gì mà tất cả những người muốn làm việc tại lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán - Tài chính - Thuế tại Việt Nam đều cần nắm được IFRS nghĩa là gì để bắt kịp xu hướng chuyển đổi từ Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) sang IFRS theo Bộ Tài Chính.
3. Vì sao có sự chuyển đổi từ IAS sang IFRS?
3.1. Nguyên tắc giá gốc đã không còn phù hợp trong bối cảnh hiện tại
Thật vậy, IAS chủ yếu mang tính nguyên tắc giá gốc. Trong khi đó, IFRS nghiêng về nguyên tắc giá trị hợp lý. Hiện nay, các công cụ tài chính đặc biệt là công cụ phái sinh, công nghệ thông tin biến đổi từng giây từng phút và việc đầu tư vào các lĩnh vực giá trị gia tăng … ngày càng nhiều. Điều này khiến cho sự khác biệt giữa giá gốc và giá trị thực tế của tài sản, công nợ ngày càng xa. Do đó, nguyên tắc giá gốc đã không còn phù hợp trong bối cảnh hiện tại.
Dẫu cho IAS cũng có nguyên tắc giá trị hợp lý tại một số chuẩn mực. Nhưng, những điều này được đánh giá là chưa đủ, không giải quyết được nhiều vấn đề, khó tư duy và đồng bộ.
Do đó, các chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) ra đời như một tất yếu để giúp thể hiện đúng giá trị hợp lý của tài sản, công nợ.
3.2. Sự bất cập trong việc chuyển đổi giữa chuẩn mực kế toán của từng quốc gia và IAS
Trước đây, mặc dù có IAS nhưng các quốc gia đều có chuẩn mực kế toán riêng cần phải tuân thủ. Điều này tạo ra một bất cập không hề nhỏ đối với các công ty hoạt động trên nhiều quốc gia hay trong trường hợp công ty thành lập tại một nước nhưng niêm yết trên thị trường chứng khoán ở một quốc gia khác.
Ví dụ: Công ty A được thành lập ở EU, lập báo cáo tài chính tuân theo IAS. Tuy nhiên, công ty A niêm yết trên thị trường chứng khoán của Mỹ. Điều này khiến, công ty A phải chuyển đổi báo cáo tài chính của mình theo chuẩn mực kế toán của Mỹ. Chênh lệch và khác biệt giữa hai chuẩn mực kế toán này khiến công ty A tốn nhiều thời gian và chi phí để chuyển đổi báo cáo tài chính.
Hay các công ty đa quốc gia có công ty mẹ đặt ở một nước và các công ty con nằm ở quốc gia khác. Việc làm báo cáo tài chính hợp nhất theo chuẩn mực kế toán tại quốc gia của công ty mẹ sẽ gặp nhiều khó khăn vì mỗi công ty con nằm tại quốc gia khác với công ty mẹ có những chuẩn mực kế toán khác nhau.
Vì vậy, việc chuyển sang một chuẩn mực chung như IFRS là hết sức cần thiết để tiết kiệm nguồn lực của xã hội và giúp tăng tính minh bạch thông tin.
3.3. IFRS là nỗ lực thay đổi từ hòa hợp sang hướng hội tụ
Thật vậy, trước đây, những người làm trong ngành Kế toán - Kiểm toán - Tài chính - Thuế sẽ thường nói đến việc làm cách nào để chuẩn mực kế toán của nước này có thể hòa hợp với nước khác. Điều này có nghĩa là các chuẩn mực có nhiều khác biệt và chúng ta đang hướng tới sự dung hòa.
Trong khi đó, IFRS ra đời chính là nỗ lực để giúp các chuẩn mực kế toán của các nước có thể tiến gần đến nhau hơn. Và trong tương lai, các chuẩn mực kế toán có thể gặp nhau, hội tụ một điểm.
Tóm lại, IFRS được hiểu là các chuẩn mực kế toán trong lập báo cáo tài chính được sử dụng chung cho nhiều quốc gia trên thế giới để xóa bỏ rào cản chênh lệch các chuẩn mực kế toán trước đây, hỗ trợ cho sự minh bạch, đáng tin cậy cho các doanh nghiệp. Và IFRS có một tầm quan trọng to lớn trong thời kỳ hội nhập như hiện nay.
Hy vọng rằng thông qua những giải đáp của chúng tôi về IFRS là gì và tầm quan trọng của IFRS hiện nay sẽ trả lời được cho băn khoăn thắc mắc của bạn. Hẹn gặp lại trong những bài viết tiếp theo
Trung tâm Đào tạo ACV - Thuy Nguyen ACCA & Cộng Sự
Đối tác đào tạo được ACCA global phê duyệt
- Hotline: 0243 991 1726
- Mobile: 098 359 8586 (Mrs Thủy)
- Email: info@auditcarevietnam.edu.vn
- Website: https://auditcarevietnam.vn
- Youtube: Thuy Nguyen ACCA
- Fanpage: Hội Những Người Yêu Nghề Kế Toán
#thuyacca #ifrs #daotaoacca #hocketoan #acca #hocthueonline #auditcarevietnam #acv #fia
Audit Care Việt Nam Newsletter
Join the newsletter to receive the latest updates in your inbox.