Bắt bệnh chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt
Công cuộc chuyển đổi số nên bắt đầu bằng việc biết chính xác bức tranh mình muốn trở thành là gì, ví như phải biết mình muốn đi Hàn Quốc, Campuchia hay Lào rồi sau đó mới đến công đoạn chọn phương tiện, cách thức phù hợp, chứ không phải đi nghe hội thảo nhiều rồi về “shopping” giải pháp, bà Trương Lý Hoàng Phi - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TPHCM - nhận định.nhận định.
Bà Trương Lý Hoàng Phi - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TPHCM.
Chia sẻ tại hội thảo “Doanh nhân trẻ Việt Nam - Chuyển mình đổi số” do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Câu lạc bộ Công nghệ và chuyển đổi số Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức, một doanh nghiệp logistics truyền thống cho biết doanh nghiệp ông luôn mắc khi tìm đối tác cung cấp giải pháp chuyển đổi số. Bản thân doanh nghiệp không có năng lực công nghệ, cũng không có bộ phận tư vấn, tham mưu sâu, nên đối tác thiết kế phần mềm để tối ưu hoạt động cứ làm đến một ngưỡng là mắc.
“Họ sửa mãi, đến hạn lại lùi hạn vẫn không xong. Chuyển đến 2 - 3 đối tác vẫn vậy”, chủ doanh nghiệp này than thở. Ông mong có cách thức để tìm đối tác tốt, đảm bảo thực hiện được các yêu cầu doanh nghiệp đưa ra với một mức chi phí hợp lý.
Qua cách đặt vấn đề của vị doanh nhân trên, bà Trương Lý Hoàng Phi - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TPHCM, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ Doanh nghiệp (IBP) - nêu lên một thực trạng chuyển đổi số trong nhiều doanh nghiệp - Đi hội thảo thật nhiều rồi về “shopping” giải pháp.
“Trong câu chuyện của bạn, bạn không đặt vấn đề chuyển từ một công ty logistics truyền thống sang một công ty thế nào trong tương lai. Câu chuyện này giống như bạn phải xác định muốn đi Hàn Quốc, Campuchia, hay Lào thì mới quyết định chọn phương tiện, cách thức chuyển đổi khác nhau, khi đó vấn đề trong quá trình chọn đối tác cung cấp giải pháp sẽ khác hơn, chứ không thể nào bạn thấy các “anh chị” chuyển đổi nhiều quá cho nên bắt đầu quá trình đi shopping giải pháp”.
“Câu chuyện shopping đó dẫn đến chuyện bạn không định hình trong đầu là sẽ shoping ‘món’ gì? ‘Món đó’ đóng góp gì vào cơ thể của bạn? Và khi bạn không có một đầu đề cụ thể trong suốt quá trình đó, thì chắc chắc không một đối tác nào cung cấp cho bạn được món hàng đúng hay có thể giúp bạn giải quyết bài toán bạn đang gặp phải”, bà Phi, ngồi ghế Shark trong chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 1, cho biết.
Bên cạnh việc “đi hội thảo nhiều về shopping”, một căn “bệnh” khác trong công cuộc chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt theo ông Lê Nguyễn Trường Giang – Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số (Hội Truyền thông số Việt Nam) - là đều có kế hoạch, nhưng chiến lược thì rất ít doanh nghiệp làm. Một cái khó cho doanh nghiệp Việt là nhiều doanh nghiệp ở tình trạng “đẽo cày giữa ngã ba đường”.
“Đứng trước một rừng giải pháp, một rừng các ứng dụng thì quyết định chọn cái gì rất khó”, ông Giang nhận định.
3 câu hỏi trong “chuyển mình, đổi số”
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Phi cho biết khi nhắc đến câu chuyện “chuyển mình, đổi số”, bà có 3 thắc mắc.
Một là, “đổi số” ở đây là đổi số gì? Lái xe cũng có số tiến và số lùi. Trong Toán học thì có số âm và số dương.
“Đổi số là một vấn đề cần thận trọng, khi nói tới phải biết mình đang nói đổi số tiến hay số lùi. Nhiều khi công ty của mình đang số dương, đi dự hội thảo nhiều quá về chuyển đổi lại thành số âm”, bà Phi nêu thực trạng.
Hai là, liệu có sự chuyển mình nào cũng đổi được số không? Nếu chuyển mình và đổi được số đâu cần đến các hội thảo để truyền cảm hứng? Theo bà Phi, không phải các cuộc chuyển mình nào, cũng đổi số được.
Ba là, khi nào nên chuyển mình? Chuyển thế nào mới đổi số? Và liệu có rào cản nào trong quá trình đổi số không? Bà Phi ví von việc đổi số giống như chúng ta đi xe số cài giữa số 1, số 2, người khéo thì không bị giật, té, người không khéo thì khi chuyển số giật té, rớt xuống xe và không chạy được nữa.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT (FPT IS), Việt Nam đang dần chuyển mình thành nền kinh tế nơi mà không có sản phẩm nào không có yếu tố “số” ở bên trong. Tuy nhiên, tỷ lệ thất bại trong chuyển đổi số cũng lên tới 76% kể cả với doanh nghiệp lớn nếu đầu tư thiếu định hướng và tính phù hợp.
Quay trở lại câu chuyện khi nào nên chuyển đổi số, theo bà Phi, có 3 giai đoạn doanh nghiệp lựa chọn chuyển mình: 1- Khi đang rất khỏe và muốn khỏe hơn và giữ vị trí “The Best”; 2- Đang trên đà đi xuống; và 3- “Bị bệnh” và bắt đầu uống thuốc.
Bà Phi từng giữ cương vị Tổng Giám đốc VinTech City vào năm 2018, khi Vingroup bắt đầu công bố tham gia mảng công nghệ, sau đó khởi nghiệp với công ty IBP trong mảng đổi mới sáng tạo. Bà Phi cho biết hiện bà đang cộng tác với Tập đoàn Hòa Bình để xây dựng một trung tâm đổi mới sáng tạo ở Khu Công nghệ cao TPHCM, đồng thời tham gia cùng Qualcomm, SK - một trong những tập đoàn đa ngành top 3 của Hàn Quốc.
“Đa phần tập đoàn lớn có tiềm lực sẽ chuyển mình lúc họ có cơ thể đang khẻo mạnh. Khi đó, họ có nguồn lực nhiều nhất, dồi dào về mặt thể lực, trí lực, và như vậy quá trình chuyển mình trở nên nhanh hơn, họ trở nên sáng suốt hơn, tinh tế hơn, biết con đường và cũng có đủ nguồn lực để đi đường dài”, bà Phi đúc kết.
“Tôi thường hay thấy những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam khi chuyển đổi cũng bắt đầu đang khỏe và muốn leo lên ngọn núi cao hơn, nhưng không loại trừ tình huống khi bắt đầu thấy tuột dốc, theo không lại các công ty nước ngoài, hoặc bắt đầu cảm thấy xu hướng thay đổi thì mới bắt đầu chuyển mình. Tôi nghĩ quá trình chuyển mình đó cũng có khi đổi số được, nhưng phải may mắn lắm và mất rất nhiều sức”.
Bình An, theo Nhịp sống thị trường
Audit Care Việt Nam Newsletter
Join the newsletter to receive the latest updates in your inbox.