39 điểm mới trong xử phạt hành chính về thuế, hóa đơn Nghị định 125/2020/NĐ-CP
Tổng cục Thuế có Công văn 4818/TCT-PC ngày 12/11/2020 về một số điểm mới trong xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn và triển khai thực hiện Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
Về quy định chung: 11 điểm mới, đơn cử như:
- Phạm vi điều chỉnh:
+ Bổ sung quy định về việc không áp dụng Nghị định 125/2020/NĐ-CP để xử phạt đối với vi phạm quy định về thủ tục đăng ký thuế, vi phạm quy định về thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh, thông báo tiếp tục hoạt động kinh doanh trước thời hạn với cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký hợp tác xã của các tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký thuế cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh (khoản 1 Điều 1).
+ Bổ sung quy định rõ các khoản thu khác do cơ quan thuế quản lý thu (tiền sử dụng đất; tiền thuê đất, thuê mặt nước, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; cổ tức, lợi nhuận được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên) thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 125/2020/NĐ-CP (khoản 1 Điều 2).
- Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn:
+ Bổ sung quy định khi pháp luật về thuế, quản lý thuế quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của bên được ủy quyền phải thực hiện thay nghĩa vụ đăng ký, kê khai, nộp của người nộp thuế, nếu bên được uỷ quyền có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP thì tổ chức, cá nhân được uỷ quyên là đối tượng bị xử phạt (khoản 1 Điều 3).
+ Quy định chi tiết các đối tượng bị xử phạt là tổ chức, trong đó quy định rõ đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, địa điểm kinh doanh trực tiếp, kê khai nộp thuế, sử dụng hóa đơn được xác định là tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn (khoản 2 Điều 3).
- Hình phạt bổ sung: Bỏ quy định về hình phạt bổ sung “đình chỉ quyền tự in hóa đơn, quyền khởi tạo hóa đơn điện tử”.
Về xử phạt vi phạm hành chính về thuế: 10 điểm mới, đơn cử như:
- Hành vi vi phạm thời hạn đăng ký thuế, thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh, thông báo tiếp tục kinh doanh trước thời hạn (Điều 10):
+ Tăng mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm thời hạn về đăng ký thuế: (Hiện hành: phạt tiền từ 400.000đ đến 2.000.000 đồng. Quy định mới: phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, trong đó quy định phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng” đối với hành vi đăng ký thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên).
+ Bổ sung chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm thời hạn thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh, thông báo tiếp tục kinh doanh trước thời hạn.
- Hành vi vi phạm thời hạn thông báo thay đổi thông tin trong đăng ký thuế (Điều 11):
+ Tăng mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm thời hạn thông báo thay đổi thông tin trong đăng ký thuế: (Hiện hành: phạt tiền từ 400.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Quy định mới: phạt tiền từ 500.000 đồng đến 7.000.000 đồng).
+ Chia hành vi nộp thông báo thay đổi thông tin trong hồ sơ đăng ký thuế quá thời hạn thành 2 hành vi nhỏ với chế tài xử phạt khác nhau: Thông báo thay đổi nội dung đăng ký thuế quá thời hạn quy định không làm thay đổi giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc thông báo mã số thuế; Thông báo thay đổi nội dung đăng ký thuế quá thời hạn quy định làm thay đổi giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc thông báo mã số thuế mà có tình tiết giảm nhẹ.
+ Bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả vào khoản 7 Điều 11; Buộc nộp hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký thuế đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 5 Điều 11.
Về xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn: 12 điểm mới, đơn cử như:
- Hành vi vi phạm quy định về tự in hóa đơn và khởi tạo hóa đơn điện tử
Sửa đổi chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về tự in hóa đơn và khởi tạo hóa đơn điện tử:
+ Hiện hành: quy định 1 Điều riêng xử phạt hành vi vi phạm quy định về tự in hóa đơn và khởi tạo hóa đơn điện tử.
+ Quy định mới: Không quy định riêng chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về tự in hóa đơn và khởi tạo hóa đơn điện tử mà thực hiện xử phạt nhóm hành vi này theo hành vi vi phạm quy định về lập hóa đơn
- Hành vi vi phạm quy định về hóa đơn đặt in (Điều 20):
Bỏ chế tài xử phạt đối với hành vi “không thanh lý hợp đồng in nếu quá thời hạn thanh lý hợp đồng quy định trong hợp đồng đặt in hóa đơn hoặc thời điểm kết thúc hợp đồng khi đã lập tờ Thông báo phát hành hóa đơn”.
Về thẩm quyền, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn: 06 điểm mới, đơn cử như:
- Về thủ tục xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơ:
+ Bổ sung quy định về lập biên bản vi phạm hành chính và biên bản vi phạm hành chính điện tử, trong đó quy định rõ biên bản vi phạm hành chính điện tử không bắt buộc phải có chữ ký của tổ chức, cá nhân vi phạm.
+ Bổ sung quy định về các trường hợp được quyền giải trình vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn gồm: hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn được phát hiện thông qua công tác thanh tra thuế, kiểm tra thuế hoặc các trường hợp lập biên bản vi phạm hành chính điện tử; hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 16, 17, 18; khoản 3 Điều 20; khoản 7 Điều 21; Điều 22 và Điều 28 Nghị định 125/2020/NĐ-CP .
+ Bổ sung quy định về giao, gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn bằng phương thức điện tử theo địa chỉ người nộp thuế đã đăng ký với cơ quan thuế đối với trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt đủ điều kiện thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế.
- Về miễn tiền phạt vi phạm hành chính về thuế
+ Sửa đổi quy định về đối tượng và các trường hợp được miễn tiền phạt:
Hiện hành: Miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn đối với cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn mà số tiền phạt từ 3.000.000 đồng trở lên trong trường hợp gặp khó khăn đặc biệt, đột xuất về kinh tế do thiên tai, hỏa hoạn, thảm họa, tai nạn, dịch bệnh, bệnh hiểm nghèo.
Quy định mới: Miễn tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn đối với người nộp thuế (bao gồm cả cá nhân và tổ chức) bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn bị thiệt hại về vật chất trong trường hợp bất khả kháng do: gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh; chiến tranh, bạo loạn, đình công phải ngừng, nghỉ sản xuất, kinh doanh hoặc rủi ro không thuộc nguyên nhân, trách nhiệm chủ quan của người nộp thuế mà người nộp thuế không có khả năng nguồn tài chính nộp ngân sách nhà nước.
+ Bổ sung quy định chi tiết về thẩm quyền miễn tiền phạt và trình tự thủ tục miễn tiền phạt.
Xem chi tiết nội dung tại Công văn 4818/TCT-PC ngày 12/11/2020.
Châu Thanh, Thư Viện Pháp Luật
Thông tin bạn có thể quan tâm vui lòng xem thêm, ACV xin được hỗ trợ:
👉Tìm hiểu các khóa học kế - kiểm tại đây: https://www.auditcarevietnam.vn/
👉Đăng ký kênh Youtube Thuy Nguyen ACCA: https://bit.ly/chia-se-nghe-ke-kiem
👉Theo dõi Page hội Những Người Yêu Nghề Kế Toán:https://bit.ly/page-hoi-ke-toan
👉Tư vấn học ACCA, FIA, Non-ACCA: bit.ly/zalo-tu-van-acca
#auditcarevietnam #acv #acca #ifrs #fia #thuyacca #hocketoan #hockiemtoan
Audit Care Việt Nam Newsletter
Join the newsletter to receive the latest updates in your inbox.