Nhân viên chiếm đoạt gần 76 tỷ đồng, sếp đem tài sản riêng thế chấp khắc phục hậu quả
Ngày 19/7, được biết, cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương đang chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án Hoàng Đình Thắng (38 tuổi, trú tại tập thể 190 Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), nguyên Phó Giám đốc Thường trực khối tài chính Công ty cổ phần Văn phòng phẩm Hồng Hà (Công ty VPP Hồng Hà), phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" vì có kháng cáo.
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên phạt mức án tù chung thân đối với Thắng. Ngoài ra, bị cáo Thắng còn phải bồi thường cho Công ty VPP Hồng Hà số tiền đã chiếm đoạt gần 76 tỷ đồng. Đây là một vụ án mà những người làm công tác quản lý doanh nghiệp phải rút ra những bài học sâu sắc trong công tác quản lý và dùng người... May mà chính "nạn nhân" là Công ty VPP Hồng Hà cuối cùng cũng phát hiện được hành vi gian lận của Thắng và chủ động tố cáo với cơ quan Công an.
Kết quả điều tra cho thấy: Hoàng Đình Thắng được giao làm kế toán ngân hàng, kế toán theo dõi cổ đông từ tháng 1/2006 đến tháng 12/2008. Từ năm 2009, Thắng được bổ nhiệm Phó Giám đốc khối tài chính của Công ty VPP Hồng Hà. Lợi dụng công việc được giao, Thắng đã làm hồ sơ khống (gồm chứng từ mua bán hàng hóa, hợp đồng kinh tế, hóa đơn giá trị gia tăng, ủy nhiệm chi...) để trình lãnh đạo Công ty VPP Hồng Hà ký thanh toán tiền mua hàng, yêu cầu ngân hàng chuyển tiền đến những tài khoản Thắng có vay nợ tiền và tài khoản của Thắng để chiếm đoạt.
Ngoài ra, Thắng còn lập hồ sơ khống để làm thủ tục vay tiền ngân hàng, các hồ sơ khống này cũng dễ dàng được lãnh đạo ký, tạo điều kiện để Thắng mang hồ sơ đến các ngân hàng vay tiền cho Công ty VPP Hồng Hà, rồi chuyển số tiền vay được vào tài khoản của Thắng và một số người có vay nợ tiền với Thắng.
Bằng thủ đoạn gian dối nêu trên, Hoàng Đình Thắng đã chiếm đoạt của Công ty VPP Hồng Hà gần 76 tỷ đồng.
Để tránh sự phát hiện của công ty và kiểm tra của cơ quan kiểm toán, Thắng đã thay đổi nội dung bản đối chiếu dư tiền vay, tiền gửi cho khớp với số liệu trên phần mềm máy tính của Công ty; hoặc tạo dựng văn bản giả của ngân hàng bằng hình thức scan chữ ký và con dấu. Tuy nhiên, theo kết quả giám định các giấy tờ như ủy nhiệm chi, yêu cầu chuyển tiền, hóa đơn bán hàng mà Thắng sử dụng để rút tiền tại ngân hàng đều có chữ ký thật của ông Bùi Kỳ Phát, Tổng Giám đốc; bà Phạm Thị Tuyết Lan, Phó Tổng giám đốc và bà Ngô Thị Minh Luận, kế toán trưởng Công ty VPP Hồng Hà. Lý giải về việc này, ông Bùi Kỳ Phát thừa nhận có sai sót, nguyên nhân do không kiểm soát hết được số lượng hồ sơ thanh toán hàng ngày, để Thắng lợi dụng kẹp lẫn các chứng từ khống khi trình ký...
Về phía Tổng Công ty Giấy Việt Nam (đơn vị chiếm gần nửa sở hữu vốn của Công ty VPP Hồng Hà), Hội đồng quản trị Công ty VPP Hồng Hà và bộ máy quản lý công ty này cũng có công văn đề nghị không xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Phát, bà Lan, bà Luận vì có nhiều cống hiến với công ty. Đặc biệt, sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo Công ty đã thế chấp nhà riêng vay tiền ngân hàng; đồng thời huy động người thân cho vay tiền không lãi suất để duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm cho cán bộ, nhân viên Công ty. Vì vậy, cơ quan tiến hành tố tụng thống nhất không xem xét trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân nêu trên.
Thiết nghĩ, việc phải đem tài sản riêng để khắc phục hậu quả cho cấp dưới xuất phát từ việc quản lý thiếu chặt chẽ, âu cũng là cái giá quá đắt đối với Ban lãnh đạo Công ty VPP Hồng Hà. Không biết, trong phiên tòa phúc thẩm tới, kháng cáo của Hoàng Đình Thắng có được Hội đồng xét xử chấp nhận hay không, nhưng có một điều chắc chắn là khả năng thu hồi đủ số tiền gần 76 tỷ đồng mà bị cáo đã chiếm đoạt là khó khả thi trong thực tế. Vì được biết, số tiền này Thắng đã "nướng" gần hết vào đầu tư chứng khoán thua lỗ, trả nợ và cả việc mua 100 cây vàng... bị mất như lời khai của bị cáo trước cơ quan điều tra?!
Nguồn: Báo Công An Nhân Dân online
Audit Care Việt Nam Newsletter
Join the newsletter to receive the latest updates in your inbox.