Áp dụng IFRS: Hiểu đúng về 'deadline' 2025

Phạm Tú Anh

Không phải từ năm 2025, tất cả các DN đều phải áp dụng bộ chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS), song việc áp dụng IFRS đem lại nhiều lợi ích cho DN ...

Ngày 07/08/2024, tại Khu công nghiệp Lai Cách (Hải Dương), Liên chi hội Tài chính KCN Việt Nam (VIPFA) phối hợp với Công ty Cổ phần (CTCP) Đại An tổ chức Hội thảo “Tổng quan chuẩn mực báo cáo tài chính (BCTC) quốc tế và thực tế thanh tra kiểm tra thuế hiện nay”

Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu là bộ chuẩn mực kế toán quốc tế - IFRS. Chia sẻ về chủ đề này, bà Nguyễn Thị Thủy - Kế toán trưởng một DN FDI, và là Giám đốc Đào tạo Trung tâm đào tạo AudiCare Việt Nam (ACV) cho biết, IFRS là bộ chuẩn mực kế toán do Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IASB) phát triển nhằm cung cấp một ngôn ngữ chung toàn cầu cho các vấn đề kinh doanh. IFRS nhằm mục đích làm cho các tài khoản của công ty trở nên dễ hiểu và có thể so sánh được trên phạm vi quốc tế, tạo điều kiện cho đầu tư và thương mại xuyên biên giới.

“IFRS được sử dụng ở hơn 120 quốc gia, bao gồm cả Liên minh Châu Âu và được yêu cầu đối với tất cả các công ty niêm yết tại các khu vực pháp lý đó…”- bà Thủy cho hay.

Theo bà Thủy, tại Việt Nam, đã có một số DN lớn, chủ yếu là các DN FDI có công ty mẹ là các tập đoàn đa quốc gia đã áp dụng IFRS. Với các DN Việt Nam, chủ yếu là các ngân hàng đã áp dụng. Còn phần lớn các DN Việt Nam vẫn chưa tiếp cận các thông tin về IFRS.

Bà Nguyễn Thị Thủy - Giám đốc Đào tạo ACV chia sẻ tại hội thảo

Theo Quyết định 345/QĐ-BTC ngày 16/03/2020 về phê duyệt đề án áp dụng chuẩn mực BCTC tại Việt Nam (VFRS), lộ trình áp dụng IFRS chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, áp dụng tự nguyện (2022 đến 2025); Giai đoạn 2, áp dụng bắt buộc (sau năm 2025)

“Rất nhiều người đã hiểu sai về Quyết định 345/QĐ-BTC của Bộ Tài chính rằng sau năm 2025 tất cả các DN phải áp dụng IFRS. Quyết định 345/QĐ-BTC nói rất rõ là: Đối với BCTC hợp nhất, trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện áp dụng IFRS của giai đoạn 1, Bộ Tài chính căn cứ nhu cầu, khả năng sẵn sàng của các DN và tình hình thực tế, quy định phương án, thời điểm bắt buộc áp dụng IFRS để lập BCTC hợp nhất cho từng nhóm DN thuộc các đối tượng; Đối với BCTC riêng, Quyết định cũng quy định, trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện áp dụng IFRS của giai đoạn 1, Bộ Tài chính căn cứ nhu cầu, khả năng sẵn sàng của các DN, pháp luật có liên quan và tình hình thực tế, quy định phương án, thời điểm áp dụng bắt buộc hoặc áp dụng tự nguyện IFRS để lập BCTC riêng cho từng nhóm đối tượng, đảm bảo tính hiệu quả và khả thi….”- Bà Thủy giải thích.

Đồng thời khẳng định, với thực tế hiểu biết và áp dụng IFRS của các DN hiện nay, sau 2025 Bộ Tài chính mới cân nhắc lộ trình áp dựng IFSR bắt buộc.

“Tuy nhiên với những lợi ích khi áp dụng IFRS, kế toán các DN, lãnh đạo các DN cần chủ động tìm hiểu để từng bước áp dụng cho DN của mình. Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, bên cạnh việc hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến triển khai IFRS, cần tăng cường tuyên truyền, đào tạo các lợi ích cũng như các kiến thức về IFRS cho các DN….”- Giám đốc Đào tạo ACV đề xuất.


Lợi ích và thách thức khi áp dụng IFRS:

• Lợi ích: Nâng cao khả năng so sánh của BCTC xuyên biên giới quốc tế; Cải thiện tính minh bạch và giảm sự bất cân xứng thông tin giữa công ty và NĐT; Tăng niềm tin của NĐT và có khả năng giảm chi phí vốn: Hợp lý hóa quy trình báo cáo cho các công ty đa quốc gia bằng cách cung cấp một bộ tiêu chuẩn duy nhất.

•Thách thức: Cách tiếp cận dựa trên nguyên tắc có thể phức tạp và đòi hỏi sự phán đoán quan trọng; Chi phí cao liên quan đến đào tạo, thay đổi hệ thống và tuân thủ liên tục; Việc điều chỉnh IFRS phù hợp với luật pháp và quy định địa phương có thể khó khăn; Sự khác nhau trong cách giải thích và áp dụng giữa các quốc gia và tổ chức khác nhau.

Link bài viết: https://nhadautu.vn/ap-dung-ifrs-hieu-dung-ve-deadline-2025-d87964.html